Đề xuất giải pháp lao động cho ngành dệt may-da giày

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 51/TB-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2021. Sở Công Thương đã xây dựng báo cáo đánh giá nguyên nhân biến động lao động và đề xuất một số giải pháp như sau:

  1. Về Nguyên nhân biến động lao động

Hình thức sản xuất của các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng của khách hàng, nên lao động được coi là yếu tố đầu vào quan trọng nhất, phần lớn lao động tại các doanh nghiệp là lao động nữ, tỷ lệ lao động nữ chiếm hơn 80% so với tổng số lao động trong doanh nghiệp.

          Số dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng ngành dệt may có quy mô lớn  tăng mạnh trong những năm gần đây (Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, Công ty TNHH MTV Công Nghiệp Germton, Công ty TNHH MTV Sedo Vinako, Công ty TNHH Fashion Garments…) tập trung địa bàn đồng bằng (Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Điện Bàn…) trong khi số tăng cơ học nguồn lao động tại các địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Tiền lương và chế độ đãi ngộ trong ngành may chưa hấp dẫn, doanh nghiệp trong nước( chủ yếu gia công) không cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.

Hiện nay, một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động nên nguồn lao động không ổn định, thường xuyên thay đổi chỗ làm do các vấn đề về lương, bảo hiểm và phúc lợi không đảm bảo, tình trạng “nhảy việc” xảy ra thường xuyên; mặt khác, lao động tại các doanh nghiệp may mặc chủ yếu là lao động nữ từ 18-35 tuổi, nằm trong độ tuổi lập gia đình và mang thai.

Tình trạng làm thêm giờ và môi trường làm việc trong các doanh nghiệp dệt, may hiện nay không còn hấp dẫn so với các ngành khác như ngành du lịch, dịch vụ đang phát triển mạnh tại vùng Đông của tỉnh đã thu hút lực lượng lao động trẻ (từ 18-30 tuổi) là nguyên nhân người lao động trong ngành dệt, may không mặn mà với công việc.

Lao động ngành dệt may đang có xu hướng dịch chuyển qua các ngành nghề mới có môi trường làm việc tốt hơn (đặc biệt là các ngành dịch vụ, du lịch, …đang phát triển mạnh tại các vùng phía Đông của tỉnh). Do đó, nguồn nhân lực luôn bị biến động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh, đơn hàng bị cắt giảm nên một số doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đối với một bộ phận không nhỏ lao động tại doanh nghiệp.

          2. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và bền vững những năm đến, Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp sau:

            2.1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước

+ Đề nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư cân nhắc khi cấp phép mới dự án ngành may, không tiếp tục thu hút dự án may gia công trên địa bàn tỉnh (trừ các huyện miền núi), giữ quỹ đất tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

+ Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá hiệu suất dự án đầu tư ngành dệt may, da giày (tỷ suất đầu tư, quy mô dự án thực tế triển khai so với đăng ký dự án, ....) đối với dự án trong cụm công nghiệp và ngoài cụm.

+ Có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để trực tiếp tuyển dụng và đào tạo lao động. Kết hợp đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật lao động và các chế độ bảo hiểm, quy định về an toàn lao động.

+ Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn lao động ngành dệt may, da giày đáp ứng thị trường lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

2.2. Đối với chủ sử dụng lao động:

+ Chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất cũng như ứng dụng CMCN 4.0 vào ngành dệt may, da giày…. nhằm tăng năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, đồng thời giải quyết tình hình thiếu nguồn lao động trong những năm đến.

+ Tuyển dụng lao động: Chủ sử dụng lao động cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động hàng năm và nhiều năm. Thông tin tuyển dụng lao động cần được quảng cáo rộng rãi ở các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút lao động từ nhiều vùng, nhiều địa phương. Việc tuyển dụng cần phải tuân thủ đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật.

+ Quản lý lao động: Cần đưa ra chế độ, chính sách về lao động gắn liền với chế độ thưởng phạt hợp lý nhằm khuyến khích người lao động có tinh thần tự giác, tích cực trong sản xuất và có ý thức tự nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và người lao động; tạo nên môi trường đồng thuận, gắn bó chặt chẽ giữa các nhóm người lao động trong việc thực hiện các chuyền sản xuất.

+ Thu nhập và phúc lợi của người lao động: Thu nhập là động lực chính để phát huy và nâng cao chất lượng lao động. Do vậy, lương của người lao động phải được xác định là nội dung quan trọng trong hợp đồng tuyển dụng. Thực hiện chế độ trả công đúng với năng lực trên cơ sở đồng thuận với người lao động. Cần phải có chính sách chăm lo đời sống công nhân như nhà ở, vui chơi giải trí, chế độ bảo hiểm…để công nhân có thể làm việc lâu dài với doanh nghiệp, tránh tình trạng thay đổi chỗ làm gây khó khăn trong quản lý lao động của doanh nghiệp.

 

 

Tin liên quan