Các sản phẩm OCOP Quảng Nam tham gia quảng bá tại Hàn Quốc. Ảnh: C.T
Sự kiện là cơ hội để các doanh nghiệp, ngành liên quan của Quảng Nam khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin thị trường, giá cả và thị hiếu người tiêu dùng Hàn Quốc đối với sản phẩm OCOP Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Qua đó, đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa Quảng Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, Quảng Nam đang tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này, ngoài sự quan tâm của Chính phủ, Đại sứ quán, các cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại hai nước… Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại - Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cần tăng cường hỗ trợ hơn nữa về hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông thương của các doanh nghiệp hai nước.
Về phía Quảng Nam, sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển theo phương châm hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế (ngoại ngữ, trình độ, năng lực, kỹ năng làm việc, tính kỷ luật…)
Cạnh đó, cũng sẽ đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu cả thị trường trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường trong và ngoài nước.
Sự kiện là cơ hội để các doanh nghiệp, ngành liên quan của Quảng Nam khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin thị trường tại Hàn Quốc. Ảnh: C.T
Cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, giúp cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu ra thế giới.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ về chính sách thuế, phí; phát triển đồng bộ hạ tầng bao gồm hạ tầng điện, viễn thông; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc và Việt Nam có thể hợp tác, đầu tư ngày càng sâu rộng trong những năm tới.
Theo ông Vũ Hồ - Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Quảng Nam là một trong số ít địa phương của cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc. Cạnh đó, ngoài 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam còn có 2 khu kinh tế (Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang), 14 khu công nghiệp và 115cụm công nghiệp…
Đặc biệt, tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang không ngừng cải cách, hành động quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư, được các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy.
Tính đến năm 2023, toàn tỉnh Quảng Nam có 193 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ (tổng vốn đầu tư 6,13 tỷ USD), đa phần tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, dịch vụ… Trong đó, Hàn Quốc đang là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 58 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 908 triệu USD.