Tích 'tiền lẻ' để xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Quá trình xây dựng và quản lý văn hóa doanh nghiệp giống như hình tượng “tích lũy tiền lẻ”. Ta tích được càng nhiều “tiền lẻ” thì văn hóa doanh nghiệp càng được củng cố vững chắc. Ngược lại, nếu tiêu bớt “từng đồng xu một” thì văn hóa doanh nghiệp cũng “tiêu” theo nhanh chóng.

Gần đây ở ta rộ lên phong trào xây dựng văn hóa, nào là văn hóa giao thông, văn hóa trường học, văn hóa làng xã, văn hóa công sở và văn hóa doanh nghiệp… Phải chăng “phú quý sinh lễ nghĩa” hay nhu cầu xây dựng văn hóa bị kìm nén bấy lâu, nay mới có điều kiện bộc phát? Dù là nguyên do gì thì tôi cũng chỉ đề cập đến một khía cạnh cụ thể, đó là Văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp. Tựu trung lại, nói một cách đơn giản, thì văn hóa là những hoạt động được lặp đi lặp lại nhiều lần và được đa số cộng đồng xung quanh chấp nhận. Văn hóa doanh nghiệp là những quy định hay những chuẩn mực được doanh nghiệp thừa nhận.

Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Trong tiến trình phát triển và hội nhập, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, thì doanh nghiệp cần định vị được mình trước các khách hàng, đối tác và toàn xã hội.

Mục đích là để doanh nghiệp của mình không bị “lẫn” với các doanh nghiệp khác. Có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong cùng một lĩnh vực ngành nghề, nhưng người ta sẽ dễ nhớ tới những doanh nghiệp có phong thái riêng.

Ngoài chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ …. thì nét văn hóa đặc thù của doanh nghiệp cũng góp phần tạo nên sự khác biệt. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp, thuộc phạm trù đạo đức, chính là “cơ chế mềm” tồn tại song hành với “cơ chế cứng” khi vận hành doanh nghiệp.“Cơ chế cứng” là các nội quy - quy định trong doanh nghiệp. Giá trị đạo đức và những quy định của pháp luật là 2 phạm trù riêng biệt, chúng không chỉ cùng tồn tại trong mỗi doanh nghiệp mà còn luôn cùng xuất hiện ở tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Nét văn hóa độc đáo không phải là sự “dị biệt kệch cỡm” mà là nguồn cảm hứng, là động lực để mọi thành viên trong doanh nghiệp gắn kết và nỗ lực phấn đấu cho sự phát triển chung của toàn doanh nghiệp, trong đó có lợi ích của mỗi cá nhân.

Các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh khác nhau thì cũng có văn hóa khác nhau. Văn hóa doanh nghiệp thường được định hình bởi những người sáng lập doanh nghiệp. Quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi sự bền bỉ, kiên định.

Nó là một quá trình xây dựng dân chủ có định hướng trong doanh nghiệp, nhất là ở thời kỳ đầu khi doanh nghiệp mới hình thành. Việc lựa chọn hình thái văn hóa nào không thể chỉ là quyết định mang tính mệnh lệnh của người đứng đầu doanh nghiệp mà nó phải là nhận thức chung của đại đa số thành viên trong doanh nghiệp.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, thông qua các buổi đào tạo, hội thảo hay các buổi sinh hoạt dã ngoại, cũng có thể thông qua các nội quy, quy định; dần dần, các định hướng ban đầu của người lãnh đạo hay các ý tưởng tương đồng của một nhóm chủ chốt được một bộ phận tiên phong thấu hiểu, gương mẫu thực hiện, rồi truyền cảm hứng ra toàn bộ các thành viên còn lại trong doanh nghiệp; nó sẽ trở thành nếp nghĩ, trở thành thói quen của mỗi thành viên, khi đó văn hóa doanh nghiệp sẽ được hình thành.

Sau này, với các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, văn hóa doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hoàn thiện và phát triển với nhiều nét mới phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại, nhưng tư tưởng cốt lõi đã được xác định trước đây thì không hề thay đổi.

Liên hệ giữa Văn hóa doanh nghiệp và Văn hóa doanh nhân

“Lãnh đạo nào, phong trào ấy”. Doanh nhân có văn hóa thì sẽ tạo cho doanh nghiệp của mình có văn hóa và ngược lại, doanh nghiệp có văn hóa cao thì đòi hỏi người đứng đầu cũng cần có văn hóa tương xứng và không ngừng rèn luyện để xứng đáng là người dẫn dắt một tổ chức có văn hóa.

Người lãnh đạo luôn luôn phải là người đi trước, tạo dựng niềm tin và không được thoái chí ngay cả khi ý tưởng của mình chưa được số đông ủng hộ. “Người quân tử có khi đi một mình, không chạy theo số đông”.

Người lãnh đạo phải biết “tích góp niềm tin” để xây dựng văn hóa, giống như ngoài đời phải biết “tích góp tiền lẻ” để xây dựng cuộc sống.

Trong cuốn Thuật đắc nhân tâm, John Maxwell có sử dụng hình tượng “tích lũy tiền lẻ” để xây dựng niềm tin. Ông cho rằng mỗi khi ta làm được một việc gây dựng niềm tin với người khác thì như là ta đã cho vào túi được một khoản tiền lẻ.

Khi túi phồng lên, nghĩa là số tiền nhiều lên thì ta có thể lấy ra chi tiêu hay đem gửi nó vào ngân hàng. Mỗi khi ta gây mất niềm tin thì nghĩa là ta đã “tiêu đi một khoản” đã tích góp được.

Và, khi một người “tiêu đến xu lẻ cuối cùng”, nghĩa là anh mất hết niềm tin thì buộc anh phải ra đi. Ở cơ quan, nếu anh mất niềm tin với người đứng đầu tổ chức thì anh phải dời sang tổ chức khác. Chơi với bạn bè, anh mất hết niềm tin với bạn thì anh phải chia tay nhóm bạn đó. Ở nhà, nếu anh mất hết niềm tin với vợ, con thì buộc anh phải ly hôn.

Tôi cũng mượn hình tượng “tích lũy tiền lẻ” này để nói về quá trình xây dựng và quản lý văn hóa doanh nghiệp. Ta tích được càng nhiều “tiền lẻ” thì ta càng có cơ hội làm giàu tài khoản lên ở ngân hàng, nghĩa là văn hóa doanh nghiệp càng được củng cố vững chắc.

Ngược lại, nếu ta cứ tiêu bớt “từng đồng xu một” thì văn hóa doanh nghiệp cũng “tiêu” theo nhanh chóng. Người lãnh đạo cần phải gương mẫu “tiết kiệm tiền lẻ” và quản lý thật tốt “số tiền tích góp” ấy.

Đấy là sự tương quan, liên kết giữa doanh nhân với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp - doanh nhân.
theo vnexpess.net

Tin liên quan

Họ tên:Nguyễn Quang Thử

Chức vụ:Giám đốc Sở

Số điện thoại:0235 3504567 (0913424027)

Email:thuqn@quangnam.gov.vn