Theo dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả hoạt động của khu vực FDI trong 9 tháng 2012 như sau:
|
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHU VỰC FDI 9 THÁNG 2012 (Tỷ USD) |
FDI vào công nghệ chế biến có tỷ trọng cao nhất
Về thu hút vốn, tổng vốn đăng ký 9 tháng 2012 đạt 9,52 tỷ USD, đưa tổng lượng vốn FDI tính từ năm 1988 đến nay đã đạt trên 239,4 tỷ USD; nếu tính cho các dự án còn hiệu lực đạt khoảng 208,6 tỷ USD. Đó là một lượng vốn không nhỏ (nếu tính bình quân năm thì thời kỳ 1988- 1990 đạt 534,1 triệu USD, thời kỳ 1991- 1995 đạt 3853 triệu USD, thời kỳ 1996- 2000 đạt 5251,8 triệu USD, thời kỳ 2001- 2005 đạt 4144 triệu USD, thời kỳ 2006- 2011 đạt 27108 triệu USD).
Lượng vốn đăng ký trong 9 tháng năm nay mặc dù bị giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đó là xu hướng của thế giới nói chung và vào Việt Nam nói riêng từ năm 2009 đến nay do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Qua 25 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, những bài học kinh nghiệm được rút ra đối với Việt Nam là không đơn thuần chạy theo số lượng vốn đăng ký mà quan trọng là lượng vốn thực hiện và chất lượng của FDI.
Trong tổng lượng vốn đăng ký trong 9 tháng qua, lượng vốn đăng ký vào công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (65,5%) và đó là đúng hướng. Tiếp đến là bất động sản, chiếm khoảng 20%, lớn thứ hai và đây cũng là sự cần thiết hiện nay, khi mà thị trường này của Việt Nam đã giảm xuống từ vài năm nay, rất cần có một lượng vốn đưa vào hỗ trợ thị trường; song đó cũng là thời cơ mà các nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào đầu tư.
Các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và thông tin truyền thông cũng thu hút được 400 triệu USD. Điều này chứng tỏ thị trường buôn bán ở Việt Nam với quy mô dân số lên đến gần 90 triệu dân, với quy mô tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng lên đến gần 100 tỷ USD vẫn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thương nhân nước ngoài.
Trong tổng lượng vốn đăng ký mới trong 9 tháng qua, Nhật Bản đứng đầu với 4,67 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng vốn đăng ký mới, tiếp đến là Xamoa với 889 triệu USD, Hàn Quốc 711 triệu USD, Quần đảo Vigin thuộc Anh với 611 triệu USD,… Kết quả 9 tháng qua đã đưa tổng số nước và vùng lãnh thổ có lượng vốn đăng ký còn hiệu lực là 21, trong đó 16 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 3 tỷ USD. Trong số này đứng đầu là Nhật Bản trên 29 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc trên 24,4 tỷ USD, Đài Loan trên 23,7 tỷ USD, Singapore gần 23,4 tỷ USD, Quần đảo Vigin thuộc Anh gần 16,1 tỷ USD…
Trong tổng lượng vốn FDI đăng ký mới qua 9 tháng, nhiều địa bàn thu hút lượng vốn lớn, như Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Khánh Hoà, Tiền Giang, Hà Nội,… Tính từ năm 1988 đến nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đều có FDI, trong đó có 20 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, trong đó ngoài các địa bàn thuộc các vùng động lực, còn có các địa bàn thuộc diện còn nghèo, cần đổi mới cơ cấu kinh tế, như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hưng Yên,…
Vốn thực hiện vẫn đạt hai con số
Quan trọng hơn là lượng vốn FDI thực hiện. Mặc dù lượng vốn đăng ký bị sụt giảm trong mấy năm gần đây, nhưng lượng vốn thực hiện tính bằng tỷ USD từ năm 2008 vẫn đạt mức hai chữ số (năm 2008 đạt 11,5 tỷ USD, năm 2009 đạt 10 tỷ USD, năm 2010 đạt 11 tỷ USD, năm 2011 đạt 11 tỷ USD). Trong 9 tháng năm 2012, ước đạt 8,1 tỷ USD, tuy bị giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cả năm vẫn được dự đoán sẽ đạt hai chữ số. Đây là kết quả tích cực trong điều kiện lượng vốn đăng ký mới bị sụt giảm do tác động của tình hình thế giới.
Khu vực FDI ngoài đóng góp tích cực vào tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân của thời kỳ 2001- 2005 đạt 15,7%, thì thời kỳ 2006- 2010 đạt 25,3%, năm 2011 đạt 25,9%. Tỷ trọng GDP do khu vực FDI đóng góp nếu trước năm 1997 còn ở mức dưới 10%, thì từ 1998 đến nay đã tăng gần như liên tục và năm 2011 đã đạt xấp xỉ 19%, khả năng năm 2012 có thể vượt qua mốc 19%. Số lao động của khu vực này nếu năm 2000 mới ở mức dưới 0,4 triệu người, chiếm 1% trong tổng số lao động đang làm việc của cả nước, thì đến giữa năm 2011 đạt trên 1,7 triệu người, chiếm 3,4% tổng số; nếu kể cả số lao động gián tiếp làm việc cho khu vực này thì số lượng và tỷ trọng còn cao hơn. Trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, khu vực FDI chiếm tỷ trọng khá cao (mấy năm nay đều đạt trên dưới 43%. Tốc độ tăng theo giá so sánh của khu vực này liên tục ở mức 2 chữ số. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, khu vực FDI từ nhiều năm nay đã chiếm trên dưới 54%; trong 9 tháng đầu năm nay nếu trừ dầu thô chiếm 55,1%, nếu kể cả dầu thô chiếm 62%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thu hút và thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng còn những hạn chế, bất cập về một số mặt. Về thu hút công nghệ, tỷ trọng công nghệ cao, công nghệ nguồn chưa nhiều, một mặt do các nước giữ bí mật, không hoặc chưa muốn chuyển giao, mặt khác do chính sách chưa thật khuyến khích, thu hút các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia có tiềm lực vốn lớn, công nghệ mạnh, do trình độ nguồn nhân lực ở trong nước còn hạn chế, bất cập,... Hiện tượng vi phạm về sử dụng đất đai, tài nguyên, chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra. Vẫn còn hiện tượng đình công ở các doanh nghiệp FDI... Hiệu quả FDI vẫn chưa cao, tính lan toả còn thấp. Việc phân cấp quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa Trung ương và địa phương còn bất cập.
Cần định hướng chọn lọc
Để khắc phục các hạn chế, bất cập trên, để chuyển việc thu hút và thực hiện FDI từ lượng sang chất, cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Theo một số chuyên gia, Việt Nam cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đầu tư nước ngoài, nhất là vi phạm về sử dụng đất đai, tài nguyên, chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường. Cần phải đổi mới cơ bản phương thức xúc tiến đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư, dự án có trọng tâm, trọng điểm; rà soát , sửa đổi, bổ sung các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn công nghệ, chuyển giao công nghê; cải cách chính sách tiền lương, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy đinh về tiền lương, bảo hiểm xã hội, các chế độ đãi ngộ người lao động trong doanh nghiệp FDI; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bắt buộc về bảo vệ môi trường...
Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài. Các quy định này một mặt cần bảo đảm sự chủ động nhưng gắn với trách nhiệm của địa phương; mặt khác cần tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành ở Trung ương.
Nhìn tổng quát, cần định hướng chọn lọc vào nguồn có kỹ thuật-công nghệ cao, công nghệ sạch; vào các ngành, lĩnh vực đầu tư như chế tạo, chế biến, vào các vùng, địa bàn để chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kiểm tra giám sát để hạn chế các vi phạm về đất đai, tài nguyên, chuyển giá...
Theo Chinhphu.vn