Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cho biết, mục tiêu của Quỹ khi xây dựng cuốn Sổ tay như một cẩm nang hướng dẫn các vấn đề cần thiết về tiêu chí ưu tiên, điều kiện, hồ sơ, thủ tục để DNNVV nhận được hỗ trợ tín dụng xanh của Quỹ.
Cụ thể, sổ tay sẽ cung cấp các thông tin cơ bản thiết yếu nhằm giúp DNNVV xác định rõ được các tiêu chí được ưu tiên hỗ trợ gắn với yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh để có cơ hội nhận được hỗ trợ tín dụng từ quỹ và tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn. Đồng thời, hướng dẫn DNNVV xây dựng các dự án phương án sản xuất kinh doanh gắn với yếu tố xanh và phát triển bền vững.
Về đối tượng sử dụng sổ tay, theo bà Hồng, chủ yếu là các DNNVV theo quy định pháp luật của Việt Nam, các Ngân hàng được SMEDF ủy thác cho vay và các đối tượng quan tâm đến phát triển DNNVV gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó đối tượng là các DNNVV được coi là trung tâm hỗ trợ của quỹ.
“Nếu đáp ứng được các tiêu chí cần thiết theo quy định gắn với tăng trưởng xanh, Quỹ phát triển DNNVV với tư cách là tổ chức nhà nước có thể hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho các DNNVV để các doanh nghiệp này có thể tham gia vào một sân chơi mới bình đẳng với các doanh nghiệp khác”, bà Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến các tiêu chí xanh trong dự án, phương án sản xuất kinh doanh dự kiến được đưa vào sổ tay, ông Adam Ward, đại diện quốc gia GGGI cho biết, sẽ có 5 nhóm tiêu chí dự kiến đưa vào sổ tay và được coi là tiêu chí cơ sở để xét chọn các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ quỹ bên cạnh các điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và các quy định của nhà nước.
5 nhóm tiêu chí cụ thể gồm năng lực quản trị điều hành, uy tín tín dụng; tạo việc làm và yếu tố giới; sản phẩm đầu ra đạt chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu mới; có tính đổi mới; có yếu tố bảo vệ, thân thiện với môi trường.
Chia sẻ cụ thể hơn, theo ông Adam, đối với nhóm tiêu chí về năng lực quản trị điều hành, uy tín tín dụng sẽ chú trọng vào tiêu chí tỷ trọng đầu tư cho sản xuất sạch hơn thể hiện qua việc chủ doanh nghiệp đã có những khoản đầu tư nhất định nhằm cải thiện mức độ thân thiện môi trường của doanh nghiệp. Tỷ lệ này được xác định ít nhất là 30% trên tổng số vốn đầu tư ban đầu hoặc tăng thêm 40%.
Còn tiêu chí về lịch sử tín dụng yêu cầu doanh nghiệp không có nợ xấu ngân hàng trong 12 tháng gần nhất.