Nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số
 |
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, chủ đề của Hội thảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bối cảnh hiện nay, góp phần cung cấp những nét tổng quan về tiềm năng kinh tế số của Việt Nam và đưa ra những đề xuất về cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới.
Thuật ngữ “Kinh tế số” (digital economy) đã được nhắc đến khá lâu trước khi xuất hiện khái niệm cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự xuất hiện của Internet vạn vật (IoT) đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu số vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Xu hướng “số hóa” hay “chuyển đổi số” ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và cần phải đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế số, chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế, xã hội, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng liên quan đến phát triển lĩnh vực này. Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Thực hiện chủ trương và mục tiêu đề ra, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng và Chính phủ, từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh, quản lý sáng tạo.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa cấp thiết đối với nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Việt Nam trong những năm tới.
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, tham mưu đề xuất các vấn đề lớn về cơ chế, chính sách nhằm định hướng phát triển, tối ưu nguồn lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế số.